Thật không ngoa khi Nguyễn Huỳnh Nhật Tiến (2001) vẫn luôn được mệnh danh là con nhà người ta, bởi lẽ anh từ năm 18 tuổi đã xuất sắc chinh phục suất học bổng lên đến 4 tỉ đồng từ Depauw University – Mỹ (thuộc top 45 các trường đại học khai phóng), có cơ hội trao đổi ở đại học Oxford danh giá của nước Anh và trở thành thực tập sinh tại McKinsey – một trong những công ty tư vấn quản lí lớn nhất thế giới từ khi còn là sinh viên năm ba. Giờ đây, khi đang là cố vấn quản lí chiến lược tại tập đoàn đa quốc gia MI-GSO PCUBED đặt trụ sở ở Mỹ, anh đã cũng Trà Đá Mentor ngồi lại hồi tưởng về hành trình “đau nhưng mà đáng” để tiến lên từng nấc thang quan trọng trong cuộc đời.
1. Cái giá của giấc mơ Mỹ
Nhớ lại những năm tháng lớp 10, 11, Nhật Tiến vẫn cảm thấy vô cùng ám ảnh vì thời gian đó quá mệt, quá kinh khủng. Vừa học trên trường, vừa ôn các kỳ thi chuẩn hoá, vừa tham gia hoạt động ngoại khoá làm đẹp hồ sơ khiến cậu bé chỉ mới 16, 17 tuổi lúc đó cực kỳ áp lực. Tất cả mọi thứ gộp lại cùng một lúc làm anh mệt mỏi vô cùng nhưng cũng chẳng thể nào dứt ra được. Việc học là điều tất yếu, còn dự án thiện nguyện SHOPE do anh khởi xướng lúc ấy có tới ba chục bạn cùng tham gia từ những ngày đầu nên không thể thiếu trách nhiệm được. Những năm tháng cấp 3 của anh cứ thế trôi qua với biết bao bữa cơm tối vội vàng để kịp chạy đi học SAT, với biết bao đêm bận rộn cùng bài vở, điều hành dự án cá nhân đến tận 12 giờ khuya để rồi sáng hôm sau đúng 4h thức dậy và lặp lại chuỗi ngày mệt mỏi, tưởng chừng như không có lối thoát, và cũng chẳng rõ tương lai sẽ thế nào. “Cuối tuần mọi người đi chơi, dành thời gian cho bạn bè, nhưng mình thực sự nguyên cả tuần ko có ngày nào là ngày nghỉ hết.”
Sau này khi nhìn lại, anh cảm thấy thời gian ấy thực sự xứng đáng, bởi nó cho anh tâm lý không gì có thể làm khó bản thân mình như hồi đó nữa. Và anh luôn tin nỗ lực thì chắc chắn sẽ được đền đáp. Nhưng đôi khi, chúng ta chỉ cần làm việc một cách thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn thì vẫn đạt được kết quả như vậy mà không cần bỏ ra quá nhiều công sức
2. Học để làm gì?
Trở lại Việt nam do tác động của dịch Covid, Nhật Tiến cũng từng rơi vào trạng thái mất phương hướng đến mức phải thốt lên:“Ủa, mình học để làm cái gì?” Đây chắc hẳn không chỉ là nỗi băn khoăn nhen nhóm trong suy nghĩ của anh mà còn rất nhiều bạn trẻ trong độ tuổi 20 khi tiếp nạp thông tin trên mạng xã hội về những người chạc tuổi mình thôi nhưng đã kiếm được tiền tỉ, mua nhà mua xe cho bố mẹ, hay câu chuyện về những tấm gương dù không bằng cấp nhưng vẫn cực kỳ thành công trong sự nghiệp.
“Mình cũng đã có khoảng thời gian cảm thấy áp lực, tự ti, bởi vì mình cũng không biết mình phải làm cái gì. Mình chỉ gắn mác cho mình học giỏi là hết rồi, không còn cái mác nào khác nữa,” anh bộc bạch. Thế nhưng càng trải nghiệm, anh dần hiểu ra “việc học nhiều khi không thể cân đo đong đếm bằng tiền bạc mà nó còn rất nhiều giá trị khác nữa”
Trong kỳ thực tập tại McKinsey, anh đã có những cuộc trò chuyện rất sâu sắc với một người bạn ở chung phòng học thạc sĩ tại đại học Columbia. Có một điều bạn ấy nói mà anh cảm thấy rất đúng. Tại sao người ta ai cũng thích đua nhau vào những ngôi trường top? Có thể một phần là để mình có tương lai tươi sáng hơn, nhưng ở khía cạnh khác, nó giống như cái phễu lọc cho một xã hội nhỏ hơn để những con người có cùng sự phấn đấu gặp được nhau, truyền cảm hứng cho nhau, và xây dựng nền tảng cho sự nghiệp hay tình duyên sau này. Khi vào được những môi trường đó, mình sẽ được tiếp xúc với những người giỏi và được mở mang rất nhiều. Chưa cần nói chuyện với họ, mà mình chỉ cần nhìn họ thôi là mình đã thấy học được từ họ rồi.
Và người bạn Columbia ấy cũng truyền cảm hứng cho anh từ một câu chơi chữ: “AND is in your DNA” (AND là và, DNA là cấu trúc gene di truyền). Chúng ta thường nghĩ tới việc chọn cái này hoặc cái kia, mà không nghĩ tới việc chọn cả hai. “Mình không là con nít nữa, mình không có chọn một trong hai nữa, mà mình chọn cả hai, cả ba, thậm chí là cả bốn, cả năm,” anh hài hước chia sẻ. Khi tiếp xúc với nhiều người, anh nhận ra nếu biết cách thì bản thân có thể thay đổi tư duy của mình từ chữ “hoặc” thành chữ “và”. Trong kỳ trao đổi tại Oxford, anh đã chứng kiến những bạn sinh viên thuộc đội tuyển chèo thuyền của trường vừa học giỏi, vừa biết tận hưởng cuộc sống. Họ có thể nhảy múa tiệc tùng đến 1-2h khuya và hôm sau lại dậy sớm để đi tập đội tuyển. Song, họ vẫn duy trì thành tích học tập tốt, và ở họ toát lên một phong thái rất riêng biệt. Hình ảnh này thực sự đã tác động mạnh tới anh.
Từ những trải nghiệm trên, anh hiểu ra rằng học tập ảnh hưởng rất nhiều đến việc định hình phong thái, cách nói chuyện và thế giới quan, nhân sinh quan, cũng như giá trị quan của một con người chứ không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền. Cũng nhờ đó, anh bắt đầu có suy nghĩ sau này sẽ học lên cao.
3. Đời có hai chữ “phải” – phải nản, phải làm
Tâm sự với Trà Đá Mentor, anh Tiến đã nhận được những lời từ chối nhiều không đếm xuể trong quá trình nộp đơn tìm kiếm cơ hội thực tập tại Mỹ. Giờ đây khi nhìn lại, anh cho hay: “Ai rồi khi nhận được những sự từ chối thì cũng sẽ nản… Anh chỉ muốn nói là cứ làm thôi. Tất nhiên nói là đừng có nản chí thì không có thực tế. Phải nản, chắc chắn phải nản, chỉ có điều là mình cứ tiếp tục làm.”
Trong khoảnh khắc gần như chẳng còn nhiều hy vọng sau khi bị đánh trượt bởi hàng trăm công ty tầm trung, tầm nhỏ, anh vẫn quyết tâm nộp hồ sơ thi vào vị trí thực tập sinh mảng Tuyển Dụng tại McKinsey. Anh đã đầu tư nhiều thời gian tìm hiểu về công ty, nghiêm túc tập luyện phỏng vấn, rồi nhờ người quen góp ý CV cũng như phần thể hiện của bản thân. Qua mỗi 4 buổi phỏng vấn căng thẳng, phụ huynh anh ngày nào cũng thắp nhang cầu nguyện bởi đối với một du học sinh đến từ Việt Nam, được làm việc tại tập đoàn tư vấn quản lí lớn nhất không chỉ là ước mơ cá nhân, mà còn là ước mơ của cha mẹ. Và trong lúc đang tập gym, anh đã bất ngờ nhận được cuộc gọi thông báo trúng tuyển trong hạnh phúc vỡ oà.
Quả thực, đây là một trải nghiệm “đau nhưng mà đáng”. Đáng giá nhất ở chỗ những ai trúng tuyển vào Mckinsey sẽ có được những mối quan hệ thực sự chất lượng bởi tỉ lệ cạnh tranh vào đây rất khắc nghiệt nên phần lớn mọi người đều đến từ các trường đại học danh giá. Lần đầu tiên trong đời, anh có cơ hội học tập và làm việc xùng nhiều bạn đến từ các trường Ivy League đến vậy. Mặc dù sở hữu một nền tảng trái ngành bởi Nhật Tiến theo đuổi song bằng Truyền Thông và Khoa Học Máy Tính, điều đó không làm khó anh khi thử sức ở lĩnh vực Tuyển Dụng. Anh quan niệm rằng, việc học trên trường giúp bản thân làm khó tư duy của chính mình để sau này có thể linh hoạt học hỏi những kiến thức mới được đào tạo bởi công ty chứ không hẳn là để sau này áp dụng chúng vào những công việc thuộc ngành tương ứng.
4. Những dự định tương lai
Chia sẻ với Trà Đá Mentor, anh Tiến sẽ tiếp tục làm việc ở Mỹ ít nhất trong 2-3 năm tới. Sau đó, anh cũng dự định học lên cao bởi những trải nghiệm cá nhân đã khiến anh thấu hiểu hơn về giá trị của tri thức. Nói về việc sẽ ở lại Mỹ lâu dài hay về Việt Nam làm việc, anh chưa đưa ra câu trả lời ngay, mà chỉ dự định về những kế hoạch ngắn và để cuộc đời mở ra những cơ hội mới. Trong thời gian đó, anh mong muốn bản thân sẽ giữ mãi được sự tò mò của mình để tiếp xúc, học hỏi từ những người xung quanh, thử những điều mới lạ và đi du lịch đây đó.
Comments