“A perennial care for Education and Business has been motivating me to ponder big questions and acting to solve problems about inequality, poverty and educational renovation.”
(Tạm dịch: “Mối quan tâm đặc biệt dành cho Giáo dục và Kinh doanh đã luôn là động lực thôi thúc mình đến với những câu hỏi to lớn, đồng thời hướng mình đến những hành động để giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng, đói nghèo và làm thế nào để cải tiến giáo dục”).
Đó là câu giới thiệu bản thân ấn tượng của Trần Phước Lâm Huy - một sinh viên trẻ tuổi sinh năm 2003 đạt được học bổng 100% của Đại học Vin (VinUniversity). Lâm Huy dành một mối quan tâm đặc biệt cho hai lĩnh vực Kinh doanh và Giáo dục, vì thế hiện tại, ở độ tuổi còn là một sinh viên, Lâm Huy đã và đang đương nhiệm vị trí người đứng đầu của Trà Đá Mentor - một nền tảng kết nối với Life Mentors dành cho các bạn trẻ - với rất nhiều thành tựu đáng kể khác.
Nói chuyện với Trà Đá Mentor, Lâm Huy đã chia sẻ rằng những việc mình làm hiện tại đều bắt nguồn từ sự “muốn hiểu mọi thứ” xung quanh hơn là làm vì áp lực của xã hội đè nặng. Điều thú vị là, đam mê với giáo dục của Lâm Huy xuất phát từ những lần dạy vẽ cho học sinh: “Có những bạn trẻ được mà mình thấy được sự thay đổi của mấy đứa nhỏ, đơn giản là việc chịu xếp gọn dụng cụ màu sau khi học so với trước đó, mình lại thấy niềm tin vào việc giáo dục là rất lớn.”Động lực đến từ những quan sát ấy đã là bước đầu tiên trong chuyến hành trình theo đuổi giáo dục dai dẳng của Lâm Huy sau này, sáng giá nhất có lẽ là Trà Đá Mentor với sứ mệnh rộng lớn hóa tác động của giáo dục đến với mỗi người.
1. Khi tủi nhục là lí do để ta đi tiếp
Người điều hành của Trà Đá Mentor, một doanh nghiệp xã hội kết nối 1 học sinh/ sinh viên với 1 Life Mentor để phát triển bản thân, bắt đầu mối lương duyên với tổ chức này dưới vai trò là một Mentee, sau đó tiếp nhận nhiều vị trí khác nhau (Mentor vào mùa 2, Quản lý quan hệ Mentee mùa 3, 4, và hiện tại là Managing Director mùa 5, 6). Thế nhưng, cậu bạn đã không ít lần nghĩ đến việc không tiếp tục đồng hành tại nơi đây vì nhiều lý do. Là một người trẻ, Lâm Huy vẫn có những áp lực phải kiếm được tiền những câu hỏi cứ liên tục hiện ra về nghề nghiệp sau này, làm gì để kiếm tiền vẫn đang đè nặng lên đôi vai của cậu thiếu niên trẻ tuổi. Hơn thế nữa, không ít lần Trà Đá Mentor nhận lại những ý kiến trái chiều hay các vấn đề liên quan đến vận hành cũng vắt kiệt sức của cậu bạn. Thế nhưng, ngoài những khó khăn, Lâm Huy cho biết rằng lí do lớn nhất bắt bản thân phải đi tiếp là … tự thấy nhục nếu không làm:
Mọi người đôi lúc hay tích cực bảo rằng bỏ đi những sản phẩm ấy thì sẽ mất bạn bè, niềm vui, nhưng mình không nghĩ vậy. Lí do này rất cá nhân, nhưng mình sẽ cảm thấy nhục nhã nếu mình không chịu đi tiếp.
Lâm Huy cũng chia sẻ rằng sự mệt mỏi trong sức khỏe tinh thần là điều không tránh khỏi bởi khối lượng công việc khổng lồ, chính xác là việc giữ vững điểm số tại trường, đồng thời vận hành được hiệu quả Trà Đá Mentor. Ngoài những ngày tháng chỉ nằm trên giường để làm dịu đi những cơn “burn out” ập đến, bạn cho biết có một cách đã được chọn để làm rắn chắc hơn sức khỏe tinh thần của chính mình - chạy bộ đường dài. Cũng như đi trên con đường đến với giáo dục, những bước chân của Lâm Huy trên những chặng đường vật lý đôi lúc cũng đầy rẫy những khó khăn về mặt tinh thần.
Gần đây nhất phải kể đến chuyến chạy bộ marathon 42 ki lô mét ( trong khuôn khổ Full Marathon VnExpress Imperial Huế 2023) mà bạn đã vượt qua một cách thuyết phục. Lâm Huy cho biết rằng 21 ki lô mét là một khoảng cách an toàn mà bạn có thể thực hiện một cách dễ dàng, thế nên, nửa sau chặng đường là một điều đáng nói: “Mình mệt rã rời và kiệt quệ, hôm đi chạy còn là lúc trời đang mưa nên giày siết rất đau đến nỗi chân phồng rộp lên. Mình chỉ muốn ngồi thụp xuống và kết thúc đường chạy, nhưng trong đầu mình chỉ còn hình ảnh mình ở vạch đích, thế nên mình vẫn quyết định chạy tiếp, từng chút một để … lết về đến đích” - Lâm Huy cười lớn.
Đơn giản hóa việc chạy bộ để biến nó thành những bài học trong cuộc sống, Lâm Huy cho biết rằng thật ra việc chạy bộ chỉ đơn giản là điều khiển cơ thể để đặt một bước chân tiếp theo cho cuộc hành trình. Thế nhưng mỗi bước chân trên 21 ki lô mét sau cùng tốn nhiều lí trí, can đảm, tinh thần, thậm chí cả những đấu tranh trong thế giới nội tâm. Bằng cách hướng đến những điểm đích, thực hiện được “bước chân tiếp theo”, và hiểu được bản thân mình, Lâm Huy không chỉ có thể chinh phục được 42 ki lô mét đầy ngoạn mục, mà còn luyện được tinh thần thép cho những mục tiêu xa hơn trong cuộc sống, bởi lẽ “Tủi nhục là lí do để ta không dừng lại”:
“Mình chọn chạy bộ đường dài - một cách “hành xác” khác để rèn luyện mức độ “lì đòn” và kiên trì của bản thân”.
2. Chuyến đi để đời
Trong cuộc nói chuyện đầy tự sự với Trà Đá Mentor, Lâm Huy vẫn rất nhiều lần nhấn mạnh về nhu cầu được thấu, được hiểu con người sâu sắc và mạnh mẽ, đặc biệt là con người trong những điều kiện giáo dục có phần bất bình đẳng hơn. “Chuyến đi để đời” của Lâm Huy là một cuộc hành trình đến một làng Ba Na ở Kon Tum để làm một khảo sát về “educational anthropology” (tạm dịch: nhân chủng học về giáo dục). Đây là chuyến đi có lẽ là thú vị nhất, lạ lẫm nhất với những kinh nghiệm quý báu với khả năng sẽ theo bạn đến suốt sau này vì những khó khăn cũng như cách vượt qua những trở ngại của bạn.
Anthropology (nhân chủng học) dường như vẫn còn là một đề tài quá mới mẻ và chưa được phát triển ở Việt Nam. Thế nên, những khó khăn về mặt học thuật cứ liên tục xuất hiện khi bạn không có những kiến thức cụ thể, tài liệu tham khảo, hay thậm chí là về kiến thức chung của người dân tộc Ba-na trên Kon Tum cũng rất rất ít, dẫn đến hậu quả là những thang đo học thuật, thậm chí là lý thuyết về xã hội học nói chung cũng đã bỏ quên thực tế nơi xa xôi này. Đến cuối cùng, Lâm Huy đã phải tự tìm tất cả các cách khác nhau để sống, để hiểu văn hóa nơi đây và làm nên một bài nghiên cứu cuối cùng: “Không được học đầy đủ về nhân chủng học, lúc nào mình cũng thấy “thiếu thiếu”, không biết thế nào là đủ và luôn đi trong một mớ hỗn độn”.
Về mặt đời sống, Lâm Huy cũng chia sẻ những khó khăn mà rất hiếm ai sẽ gặp qua trong đời, xuất hiện đầu tiên phải kể đến việc… nhớ tiếng Kinh: “Mình nhớ tiếng Kinh khủng khiếp. Khi ở trong một môi trường mà mọi người nói tiếng mẹ đẻ của mình rất kém, người ta nói 1 thì mình phải hiểu 10, thậm chí là nhiều hơn, và còn phải tự tìm hiểu về những bối cảnh xung quanh câu nói ấy”. Bạn cũng kể thêm rằng, vì mọi người nói tiếng Kinh khá kém, nên cùng truyền đạt một ý, Lâm Huy phải nói tiếng mẹ đẻ theo một cách rất dễ hiểu để người Ba-na có thể hiểu được nó. Điều bất ngờ là, với tư chất quyết tâm của mình, Lâm Huy đã học tiếng Ba-na và bây giờ đã có thể giao tiếp ở mức độ hiểu: “Mình quyết định học tiếng Ba-na. Thú vị là bây giờ mình rất thân với mọi người ở đó, bây giờ thậm chí gọi điện cho mọi người ở Kon Tum, họ chỉ mong muốn mình nói tiếng Ba-na thôi!”.
Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó, Lâm Huy còn gặp những điều kiện rất thiếu thốn dù chỉ ở mức cơ bản như việc ăn, ngủ, nghỉ, tắm rửa. Bạn chia sẻ rằng bản thân đã phải ngủ ngoài hiên, bị muỗi cắn quen đến nỗi… không cần phải gãi. Hơn thế nữa, Lâm Huy còn phải trở nên hướng ngoại hơn, vì tính chất của bài nghiên cứu này đòi hỏi cần được gặp rất nhiều người. Đến thời điểm hiện tại, bạn đã có thể tự tin nói rằng mình đã xây dựng lại toàn bộ vòng tròn xã hội chỉ trong vòng 1 tháng, hiểu rõ được Kon Tum có những làng Ba-na nào, có bao nhiêu người đi học đại học và những thông tin đó đều được nắm rõ bởi Lâm Huy.
Thử thách còn đến liên tục khi Lâm Huy phải phỏng vấn được một nhóm đối tượng cũng quan trọng không kém là cha xứ và bà xơ (nữ tu trong đạo Kitô Giáo). Bạn đã phải tiếp cận bằng nhiều cách thức hơn như đi dạy tiếng anh, đi phiên dịch để mọi người biết đến “sự tồn tại của một người Kinh trong làng” (theo cách Lâm Huy nói), hay thậm chí là đi học giáo lý và đi nhà thờ dù cậu không theo bất kì tôn giáo nào. Từ đó, Lâm Huy mới có thể hỏi và hiểu được những thông tin cần thiết cho mình. Nhìn lại hành trình ở Kon Tum đã qua, Lâm Huy đã phải nhận xét rằng:
“Đối với mình, đây là một chuyến đi lạ, để đời, cùng với rất nhiều điều thú vị khi mình đã thật sự phải tái cấu trúc lại đời sống vốn có của bản thân.”
Sau chuyến đi ấy, Lâm Huy lại vực dậy được nhiều niềm tin hơn nữa về giáo dục ở nơi xa xôi ấy, bởi vẫn có những hình mẫu cố gắng từng ngày để điều kiện học tập trở nên tốt hơn, như tìm đối tác để liên kết với làng nhằm cải tạo lại hệ thống dạy học. Và Lâm Huy chỉ góp phần nhỏ bé để có thể đóng góp những tri thức qua việc nghiên cứu.
3. Nhận thức về vai trò của bản thân
Khi được hỏi về lý do tại sao Lâm Huy lại có thể làm được rất nhiều điều lớn lao như vậy và bản thân bạn liệu có phải là đại diện cho Gen Z hay không, Lâm Huy chỉ lắc đầu vì bạn tin rằng, đối với bản thân bạn có những giá trị cần được đánh đổi, đó có thể là sức khỏe tinh thần, thời gian, công sức, và bản thân Lâm Huy sẽ chấp nhận bỏ ra những giá trị cốt lõi ấy. Bạn cho rằng Gen Z bây giờ lại có một chút “tham” về việc có thể làm rất nhiều điều mà vẫn cân bằng được thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Điều đáng tiếc là Lâm Huy lại không thấy mình trong những con người đó, thứ bạn theo đuổi vẫn sẽ là những điều đã được kể trên nhưng theo con đường sẽ đánh đổi nhiều hơn:
Mình biết bản thân sẽ có lúc kiệt sức, sẽ có lúc “burn out”, nhưng mình cũng biết rằng mình sẽ có thể nằm xuống một chút sau đó lại vùng dậy làm tiếp. Có lẽ mình không thấy được hình ảnh của một Gen Z đầy năng lượng trong mình, nhưng với tính cách khá cứng đầu của mình, Lâm Huy tin rằng con đường đi của mình vẫn đang đúng.
Trà Đá Mentor sẽ mở đơn tuyển Mentee từ ngày 20.10 đến 12.11.2023. Một lộ trình cụ thể trong vòng 8 buổi sẽ được hình thành, cá nhân hóa dựa trên nhu cầu phát triển của mỗi Mentee. Apply liền tay để tìm ra được định hướng cho cuộc đời của bạn cùng đội ngũ Mentors giàu kinh nghiệm!
Comments