Không chỉ là một cô gái nổi trội với thành tích học thuật ấn tượng, Thục Quyên hiện tại còn theo đuổi con đường trở thành một content creator (người sáng tạo nội dung) trên nền tảng Youtube với những video thu hút hàng chục ngàn lượt view với những nội liên quan đến học tập và hành trình lớn của bản thân từ khi còn là học sinh cấp ba.
Chia sẻ với Trà Đá Mentor, tất cả những động lực để Thục Quyên làm những điều tuyệt vời kể trên đều được kích thích từ sự… tò mò của bạn. Khi nhìn những điều diễn ra xung quanh mình từ việc chứng kiến hành trình du học của các anh chị khóa trước đến mong muốn hiểu được cảm giác của những anh chị influencer (người truyền cảm hứng), Thục Quyên đã luôn khát khao để được trở thành những nhân vật “chính” trong những trải nghiệm đó đểhằm thỏa mãn được trí tò mò của bản thân.
Hơn 5 năm đã trôi qua, khi một lần nữa nhìn lại hành trình khai phá sự tò mò đó cùng với Trà Đá Mentor, Thục Quyên đã có những trải lòng rất chân thật về những vấp ngã, trắc trở trong hành trình mà mình đã đi bên cạnh việc nhìn lại những thành tựu của mình:
1. Những khó khăn không của riêng ai
Xuất phát điểm ở Quảng Trị, một học sinh ở nơi không có quá nhiều sự tiến bộ về giáo dục, Thục Quyên ngay từ những năm lớp 10 đã luôn muốn cố gắng để được học ở những môi trường phát triển hơn: “Mình nghĩ rằng trong mình ngoài sự tò mò, mình có một chút bất bình với hệ thống giáo dục ở Việt Nam khi không thể học song ngành cùng một lúc, hơn nữa những tiềm năng nghệ thuật dường như lại bị rất hạn chế và phải dành chỗ cho những môn cần tư duy, cần “số” nhiều hơn, dù nghệ thuật và sáng tạo có thể là điểm mạnh để mình khai thác toàn vẹn khả năng. Vì thế, hiện tại, mình đã chọn học song song hai chuyên ngành tại một ngôi trường với nền giáo dục khai phóng vì mình hoàn toàn hiểu được tính liên ngành của nó.”
“Mình tự tin nói rằng rào cản nào về mặt tâm lý của Gen Z hiện tại thì mình đều đã trải qua”. Nói chuyện với Trà Đá Mentor, nữ sinh gốc Quảng Trị tin rằng từ việc bị áp lực đồng trang lứa (peer pressure), hay mất động lực, đến việc trải qua cảm giác khủng hoảng bản sắc (identity crisis) thì bạn đều đã trải qua đủ. Tự nhận thấy mình là một người hơi theo chiều hướng “trì hoãn” (procrastinator), đôi khi Thục Quyên hay bị tình trạng “dồn việc” và làm quá nhiều thứ một lúc, dẫn đến tình trạng bỏ qua một số thông tin quan trọng và phải làm lại từ đầu. Đây cũng là nền tảng cho việc không cân bằng được thời gian, phải thức đêm liên tục và khiến bạn bị căng thẳng trong khoảng thời gian dài. Cũng trong khoảng thời gian này, Thục Quyên cũng đã chia sẻ rằng mình có những cảm giác của việc không có giá trị (unworth) khi nhìn các bạn cùng lớp đi thi và gặt hái được huy chương hay những giải quốc gia lớn. Đã có một khoảng thời gian bạn cũng đã thật sự giải đề để ôn vào đội tuyển, kết quả thì lại chẳng tới đâu mà còn khiến bạn nhận ra những việc đó chẳng có những mặt tích cực với con đường bạn đã chọn, và bạn quyết định dừng việc ôn đội tuyển quốc gia từ đó.
Thậm chí, ngay cả trong quá trình nộp hồ sơ cho những trường mà Quyên theo đuổi, có những anh chị Mentors nói với bạn rằng hồ sơ của bạn không quá nổi bật, không đủ “lực” để nộp vào những trường top. Nhưng rồi, khi Thục Quyên nhận ra mong muốn được truyền cảm hứng cho những bạn trẻ cấp ba theo đuổi được cơ hội tiếp cận với giáo dục toàn diện, đôi chân bạn lại vững hơn từng chút trên con đường mình đã chọn vì bạn muốn mình có những thành tích, những thư mời nhập học như một minh chứng thuyết phục nhất. Quyên cũng chia sẻ rằng bạn cũng đã thay đổi một chút mindset khi đối diện với những người đã thành công, hãy nói chuyện và nhận nhiều lời khuyên nhất có thể, bởi: “Người đã đi trước và thành công ở đó để có thể giúp đỡ mình, chứ không phải để mình ngồi im và so sánh”.
2. 20 trường đại học đánh đổi bằng hai lần nhập viện
Khi được hỏi về những giá trị mà Thục Quyên đã phải đánh đổi trong quá trình nộp đơn cho 20 trường đại học khác nhau, những gì bạn đã đánh đổi nhiều nhất có lẽ là sức khỏe và thời gian cho mọi người xung quanh. Trong đó, bạn nhớ nhiều nhất có lẽ là hai lần nhập viện liên tiếp vì quá gắng sức. Bạn kể rằng lần đầu tiên nhập viện là lúc bạn gắng gượng đến 3 - 4 giờ sáng để viết cho xong bài luận dù có thể để ngày hôm sau, sau đó lại có kiểm tra lúc 7 giờ sáng nên chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng đêm ấy. Kết thúc bài kiểm tra cũng là lúc cơn đau đầu ập đến dữ dội, vì quá đau và không chịu nổi nên bạn đã được đưa đến bệnh viện để kiểm tra ngay sau đó.
Lần thứ hai thì còn đáng sợ hơn khi bạn phải nhập viện lúc 3 giờ sáng ở khu kí túc xá. Hồi tưởng lại lần thứ nhập viện “khủng khiếp” này cùng Trà Đá Mentor, đó là một buổi tối trước khi thi cuối kì, lúc này cả phòng vẫn đang ôn tập thì cơn đau bụng ập đến từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng, tiền sử là một người có vấn đề về dạ dày và thói quen ăn uống thời gian ấy bị rối loạn trong một khoảng thời gian dài nên cơn đau dữ dội hôm ấy rất lớn và khiến bạn nhớ mãi. Đến khoảng 2 giờ sáng thì bạn ngất xỉu ngay giữa kí túc xá cùng với những trận nôn liên tục, thế nhưng, điều tuyệt vời nhất mà bạn vẫn còn nhớ là mọi người trong phòng liên tục lau người, lấy nước, lau lại sàn nhà khi bạn có những biểu hiện không ổn: “Thật ra khi nhớ lại cơn đau ấy, thứ ấm áp nhất trong lòng mình lại hiện lên là có những người bạn vẫn bên cạnh mình từng chút một”.
Sau hai lần nhập viện, Thục Quyên đã có những cuộc nói chuyện rất lâu với gia đình, đặc biệt là bố của mình, những điều chỉnh của Thục Quyên cũng đã bắt đầu xuất hiện từ đây khi có một câu nói của bố khiến bạn rất nhớ: “Người khỏe mạnh thì có rất nhiều ước mơ, còn người không khỏe mạnh thì chỉ có một giấc mơ duy nhất”. Ngay tại lúc nghiệm ra được điều này, Thục Quyên đã quyết định trở nên phải kỷ luật hơn nữa, nhưng sự kỷ luật ở đây không còn dừng lại ở việc học tập, làm việc mà còn là cả kỷ luật để bản thân có thể phát triển trong một khoảng thời gian dài: “Mình tin vào việc kỷ luật để tự do, tất cả những thứ như học tập, luyện tập, detox (thải độc) cho bản thân, đi ra ngoài với bạn bè đều được tính vào kỷ luật” - Thục Quyên nói. Hiện tại, sau khi cho bản thân tiếp nhận những “kỷ luật” tích cực trên bao gồm việc ngủ đủ, tập luyện thường xuyên, vẫn cân bằng với thời gian làm việc, Thục Quyên đã không còn những biểu hiện có tác động xấu đến sức khỏe nhưng vẫn làm được tất cả những điều bạn hướng đến bao gồm cả học tập thật tốt cũng như phát triển được nội dung trên nền tảng Youtube.
Từ những trải nghiệm vô cùng quý giá ấy, Thục Quyên cũng muốn gửi một vài lời đến độc giả của Trà Đá Mentor, rằng hãy cứ trải nghiệm con đường riêng của bạn vì mọi việc xảy ra đều có chức năng định hướng của nó. Hơn nữa, Thục Quyên còn tin vào giá trị của việc kỷ luật trong một chặng đường dài hơi, khi mỗi người thiết lập được những mục tiêu lớn và thật sự nghiêm túc, thật sự “đâm đầu” thì sự kỷ cương sẽ là thứ nhiên liệu quý giá cho sự thành công lâu dài.
Từ những chiêm nghiệm đúc kết qua một quá trình dài, Augustana College (trường đại học của Thục Quyên hiện tại) là đích đến mà Thục Quyên đã chọn cho sự phát triển toàn diện và lâu dài bởi giá trị khai phóng của trường và cả việc cho phép bạn học song ngành trong tương lai.
Comentarios