Ảnh 1: Chân dung anh La Gia Long
“Gia Long” có thể được cắt nghĩa là chú rồng ưu tú xinh đẹp của gia đình. Đây là một tên gọi đầy quyền uy và cao quý, thể hiện mong muốn của phụ huynh rằng con mình sẽ là người tài giỏi, có thể gánh vác trọng trách của gia đình và đất nước. Đúng như cái tên của mình, ngay từ tấm bé, anh Gia Long đã phải tập làm quen với kỳ vọng tăng dần theo năm tháng của mọi người trong gia đình. Nhìn nhận từ một góc độ tích cực, anh cũng chia sẻ rằng việc được tiếp xúc từ sớm với mong đợi và áp lực đã khiến anh không ngừng cố gắng, từ một chàng sinh viên xuất sắc trong học thuật của Đại học Kinh Tế Quốc Dân, đến gương mặt vàng của làng tranh biện, và giờ đây là học giả của Học bổng Invest Your Talent in Italy.
1. Áp lực đồng trang lứa không phải lúc nào cũng xấu
Theo anh Gia Long, thích nghi với áp lực là yếu tố rất quan trọng trong quá trình trưởng thành và phát triển bản thân. Với kỳ vọng cao về thành tích từ phụ huynh, ngay từ những năm cấp 1, cấp 2, anh đã ra sức học hành và luôn thể hiện xuất sắc qua mỗi kỳ thi. Lên đến cấp 3 thì các bạn học hành càng chăm chỉ hơn cho kỳ thi đại học mang bước ngoặt cuộc đời. Đến bậc đại học thì dường như mọi người xung quanh không chỉ vừa chăm học, mà còn năng nổ tham gia rất nhiều hoạt động khác. Các bạn đạt học bổng du học, đạt mức lương ngàn đô từ khi mới năm hai, năm ba. Áp lực đồng trang lứa cứ tăng lên dần theo thời gian và đôi khi khiến anh cảm thấy bản thân có cố thế nào cũng chưa đủ, và bị dao động khi thấy con đường của người khác đi thật đẹp đẽ, hào nhoáng, mà thiếu kiên định với hướng đi của chính mình.
Ở mặt khác, anh Gia Long cũng cảm thấy may mắn khi bản thân đã được tiếp xúc dần dần với áp lực đồng trang lứa từ khi còn nhỏ. Điều đó khiến anh không ngừng cố gắng trở nên tốt hơn, để rồi giờ đây, anh đã học được cách nhìn nó dưới góc độ là một động lực. Anh không còn giữ tâm lý của cậu học sinh bồn chồn lo lắng khi bước vào phòng thi với nỗi sợ không đạt được điểm cao, làm phật lòng cha mẹ nữa. Môi trường đại học nhộn nhịp, đa dạng, và cũng không kém phần cạnh tranh khi mà mọi người xung quanh ai cũng cố gắng học tập, phát triển bản thân qua nhiều hoạt động khác nhau đã thôi thúc anh phải thật nghiêm túc với những điều mình làm. Anh cố gắng duy trì học tốt, đi thực tập, tham gia nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực cho cộng đồng tranh biện qua việc dạy học, thi đấu, chấm giải. Nhìn bạn bè thành công trong lúc bản thân vẫn còn vật lộn với con đường mình đã chọn, anh vẫn vững tin rằng rồi một ngày nào đó, thành công lớn cũng sẽ đến với bản thân dù cho nó có muộn hơn so với mọi người đi chăng nữa.
2. Nghệ thuật quản lý bản thân
Đại học cũng là nơi dạy anh Gia Long khám phá ra nghệ thuật quản lý bản thân sao cho thật hiệu quả. Cũng như bao sinh viên khác, anh từng có thời hết sức mệt mỏi khi phải quyết rất nhiều tác vụ trong cùng một thời điểm với phương pháp quản lý thời gian chưa mấy hiệu quả. Ban đầu, anh mắc kẹt trong việc làm mọi thứ nhưng kết quả của từng việc thì chẳng đến đâu. Thế rồi anh quyết định thay đổi, bắt đầu từ việc không cố gắng làm hết. Anh không bẻ vụn quỹ thời gian của mình nữa mà chọn ra những công việc chính cần hoàn thành trong một ngày và tập trung toàn bộ trí lực để hoàn thành, đi chậm mà chắc. Mấu chốt ở đây nằm ở cách quản lý sự tập trung của bản thân chứ không đơn thuần là quản lý thời gian nữa. Bởi lẽ khi thực sự tập trung làm một việc thì hiệu suất sẽ cao hơn, dẫn đến thời gian xử lý tác vụ được rút ngắn, và bản thân có thể chuyển sang làm việc khác.
Ảnh 2: Anh Gia Long cùng bạn giao lưu cầu lông
Ngoài ra, anh cũng gợi ý phương pháp quản lý năng lượng bởi sức khỏe không tốt thì khó có thể tập trung làm việc được. Vậy nên anh Gia Long rất khuyến khích mọi người rèn luyện thể thao với cường độ vừa phải. Với bản thân anh, bộ môn cầu lông không giúp chỉ rèn luyện sự kỷ luật, nâng cao sức bền mà còn tăng khả năng tập trung trong khoảng thời gian dài làm việc. Nhờ nghệ thuật quản lý bản thân này mà trong khoảng thời gian bận rộn nhất, anh vẫn có thể học tốt 7 môn một kỳ trên trường, xuất bản bài báo học thuật và có những đóng góp nổi trội trong cộng đồng tranh biện Việt Nam.
3. Đừng bao giờ mất niềm tin vào bản thân
Rục rịch lên kế hoạch du học thạc sĩ từ năm ba đại học, anh Gia Long đã dành rất nhiều thời gian và công sức hoàn thiện bộ hồ sơ. Sau mấy năm ròng rã chuẩn bị, anh thất thểu nhận tin buồn vì trượt học bổng Erasmus Mundus và học bổng trường của Hà Lan. Anh đã nghĩ rằng có lẽ bản thân không thể du học trong năm 2023 được. Anh cũng nhận được thư mời nhập học của đại học Trento - Ý, nhưng chỉ có thể theo học nếu đỗ học bổng chính phủ Invest Your Talent. Và lúc ấy chỉ còn một tháng nữa là nhập học mà anh vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo gì từ ban tổ chức học bổng chính phủ. Anh đã soạn email từ chối lời mời nhập học từ Trento đến ba lần nhưng dường như có một thế lực nào đó ngăn cản anh làm vậy bởi cứ đến lúc định gửi đi thì công việc lại đến và anh đành dời lại để lúc khác.
Thế rồi vào một ngày hè cuối tháng 7, anh nhận được thông báo đỗ học bổng Invest Your Talent trong sự ngỡ ngàng và còn chưa đầy một tháng để chuẩn bị hồ sơ sang Ý du học. Từ đó, anh tin rằng "nếu bản thân thực sự đã nỗ lực rất nhiều thì tại sao không cho chính mình hy vọng đến phút cuối cùng." Dù có thất bại đi chăng nữa thì hành trình cũng đã giúp ta học hỏi được rất nhiều điều và là hành trang để ta bước tiếp trên con đường đã chọn.
4. Nước Ý mộng mơ và những trải nghiệm
Ảnh 3: Điểm dừng chân trên hành trình du lịch Ý của anh Gia Long
Mảnh đất Italy xinh đẹp trữ tình đã đem đến cho anh Gia Long những trải nghiệm du lịch tuyệt vời khi được đắm mình trong tiết thiên thu thoáng đãng của ngày đầu tháng 10 tại Venice, và trầm trồ trước cảnh tượng hùng vĩ của lòng hồ Braies xanh ngọc bích được bao quanh bởi những dãy núi trùng trùng điệp điệp phủ kín bởi rừng lá kim ôn đới. Nơi đây còn là thiên đường của gia vị và hương liệu, rất thích hợp cho những ai có đam mê nấu nướng. Người Ý nhìn chung cũng rất nhiệt tình. Mấy ngày đầu mới sang, anh Long đang lủi thủi một mình ăn trưa vì chưa quen ai thì được một nhóm học sinh Ý rủ vào ngồi cùng. Họ hồ hởi hỏi anh về châu Á, về Việt Nam, về lý do tại sao lại sang tận đây du học, rồi vì sao lại là Trento chứ không phải trường khác. Những điều ấy thực sự đã làm ấm lòng người con lần đầu đi thật xa khỏi quê hương đến vùng đất mới.
Ảnh 4: Tài liệu ôn thi học kỳ tại Ý
Thế nhưng chuyện thi cử ở Ý thì lại là nỗi ám ảnh với chàng trai Việt. Lúc bước vào phòng thi, anh bị choáng toàn tập bởi bài kiểm tra thuần lý thuyết. Những thầy cô lớn tuổi và khó tính sẽ còn yêu cầu sinh viên phải học thuộc lòng từng câu từng chữ trong bài giảng.
“Số tài liệu anh phải học thuộc cho kỳ thi vừa rồi nó còn nhiều hơn tài liệu mà anh phải học để ôn thi đại học môn Văn ở Việt Nam”, anh hài hước cho hay. Anh thấy hình thức dạy học ở Ý khá đa dạng, có thảo luận, có khách mời thỉnh giảng, có case study, nhưng khác với hình thức kiểm tra mang tính thực tiễn đến 70% ở bậc đại học tại NEU, thi cử ở Ý lại thiên về lưu trữ kiến thức chứ không có tính áp dụng cao.
5. Dự định tương lai và lời nhắn gửi
Chia sẻ với Trà Đá Mentor, anh Gia Long dự định sẽ đi khám phá 20 nước châu Âu trong thời gian du học tại Ý và hướng tới một lối sống lành mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Anh cũng muốn nhắn nhủ tới các độc giả rằng, một khi đã biết hai chữ “đam mê” của mình là gì thì phải nhất định nỗ lực đến cùng, làm mọi việc một cách thật nghiêm túc để bản thân sau này không phải hối tiếc.Trà Đá mong rằng những chia sẻ từ anh Gia Long sẽ phần nào giúp các bạn có thêm bài học hữu ích cho hành trình học tập, phát triển bản thân, cũng như có cái nhìn đa chiều hơn về du học Ý.
Disclaimer: Những chia sẻ trong bài viết là quan điểm và chiêm nghiệm cá nhân của khách mời. Bài viết không được kiểm chứng bởi khoa học, không đại diện cho tổ chức hay tập thể nào.
Comments