1. Bay màu
Nghe giang hồ đồn ngày xưa nhà mình độc quyền kinh doanh vàng bạc đá quý ở huyện. Ngay từ bé, mình đã mắt chữ A, mồm chữ O khi thấy ba dùng máy hàn với nguồn ánh sáng xanh lè nối hai mối vàng lại với nhau. Mình hỏi sao lại không lấy keo con voi hay keo thủ công, ba trả lời:
Vật liệu khác nhau con ạ, sau này học khoa học con sẽ hiểu.
Năm mình lên cấp ba, nhà mình phá sản. Lúc cơ cực nhất, mình đã nghĩ rằng không có vật chất thì niềm đam mê khoa học của mình cũng “bay màu” theo.
2. Cần cả mặt trời và mưa để cầu vồng xuất hiện
Mặt trời
Ở môn Sinh học phân tử, mình biết được marker (chỉ thị) phân tử xanh đỏ tím vàng có thể xác định gen đặc hiệu, từ đó định danh tên (identification) của một loài. Đến một con virus bé tí tẹo không nhìn được bằng mắt thường cũng có cả một bảng đặc tính riêng, sao mình to đùng thế này mà khó khám phá thế nhỉ? Sân si thế nên mình lập một trang Facebook tên là Identification để kể lại hành trình “định danh" của chính mình. Không phải Tố Hữu nhưng mình vẫn có cảm giác “mặt trời chân lý chói qua tim".
Mưa
Mình khóc lên khóc xuống lúc thực hiện thí nghiệm trong lab Hàn Việt của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải. Nhiệm vụ đầu tiên của mình là nhân bản khuẩn lạc màu trắng để kiểm tra sự hiện diện của gen. Tuy nhiên, trong hai tuần đầu, mình chỉ thu được khuẩn lạc màu xanh âm tính giả. Mình phải lặp đi lặp lại thí nghiệm nhiều lần mới đạt được kết quả như mong muốn. Quá trình thử và sai (trial-and-error process) này đã rèn cho mình tính kiên trì trong khoa học. Đây cũng là lần đầu tiên tên mình xuất hiện trong kỷ yếu của Hội nghị Khoa học Chăn nuôi Thú y toàn quốc.
Vì trường mình chưa có môn phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp với đề tài này nên mình đã chủ động đăng ký lớp “Research and proposal writing in the Sciences” được tài trợ bởi tổ chức INASP. Mình nhận ra nghiên cứu khoa học giống như vẽ tranh ấy. Mình phải hiểu về chủ đề, phân chia bố cục rõ ràng, suy đoán xem bức tranh cuối cùng trông sẽ ra sao, thông điệp mình muốn đem đến cho người khác là gì.
Ở phần phân tích tin sinh học (bioinformatics), mình bị hoảng vì virus PRRS đột biến liên tục. Trình tự từ mẫu máu mình phân lập được khác rất nhiều so với trình tự nghiên cứu trên báo khác. Mình lại tiếp tục đăng ký khoá học Sinh học phân tử trên Coursera và nhận ra đột biến là cách mà virus thay đổi để thích nghi với vật chủ. Loài người chúng mình cũng thế, luôn học hỏi để thích ứng với môi trường.
Trộm vía, cuối cùng mình đạt 4.0/4.0 ở buổi phản biện và tiến hoá thành công thành thủ khoa đầu ra hehe.
Hình 1. Mentor Phương Uyên đại diện Tân cử nhân phát biểu trong Lễ tốt nghiệp
Trải nghiệm nghiên cứu hai đề tài là tiền đề quan trọng khiến mình thắc mắc “Có thể thay đổi trình tự gen để cải thiện hiệu quả vaccine hay không". Nghĩ là làm, mình đem câu hỏi này đến cuộc thi Ý tưởng Nghiên cứu Khoa học. Dù may mắn đạt giải Nhì nhưng phần tổng quan nghiên cứu (literature review) của mình còn nhiều lỗ hổng vì chưa tiếp cận được nguồn báo chất lượng và mới trên thế giới. Việc mẹ mình, nhân viên y tế, bị cách ly bởi tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 lại càng thúc đẩy mình suy nghĩ về cách virus đột biến và làm sao để tạo ra vaccine hiệu quả. Lúc nhận được học bổng Hyundai cho 5 năm học Ph.D. về cây kháng mặn tại Korea University, top 3 trường SKY hàng đầu Hàn Quốc, mình cứ thấy cấn cấn thế nào ấy, vì cái khát khao cải thiện vaccine của mình sống động quá. Thế là mình quyết định gap year để suy nghĩ kỹ hơn về nghiên cứu mà mình muốn gắn bó.
3. Làm sao để “nhân bản” cầu vồng
Cộng đồng
Hình 2. Mentor Phương Uyên host chương trình Tranh biện Khoa học (người thứ 9, góc dưới cùng, bên phải)
Mình luôn tin rằng chỉ bản thân phát triển là chưa đủ, cần phải nhân rộng “cầu vồng" cho thế hệ trẻ nữa. Thế là mình đem sự quan tâm về tính hiệu quả của vaccine lên chương trình Tranh biện Khoa học (Science Debate) của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Lắng nghe nhiều ý kiến khách quan của các bạn trẻ, mình hân hoan lắm.
Hoá ra hoạt động cộng đồng không chỉ có lợi cho cộng đồng mà còn giúp mình mở mang tri thức.
Hình 3. Mentor Phương Uyên - trưởng nhóm 9 của Vietnam School of Science
Kết nối
Việc trở thành trưởng nhóm 9 của Vietnam School of Science (VSS) là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp liên ngành của mình. Mình có cơ hội nói chuyện với những thành viên trong ban tổ chức và nhận ra sự khó khăn khi kết nối các nhà khoa học lại với nhau. Nhóm mình cũng đã triển khai ý tưởng về môn liên ngành, “Poster Session”, và đạt giải duy nhất trong cuộc thi “Ne” nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và của VSS trong 5 năm tới.
Hình 4. Mentor Phương Uyên - presenter của Vietnam Symposium of Development,
chủ đề Digital Footprint
Thử và sai
Gần đây, là oral presenter của Vietnam Symposium of Development (VSOD), mình có cơ hội được gặp các bạn trẻ vừa chập chững bước vào con đường nghiên cứu khoa học. Các bạn hỏi “cột mốc nào khiến chị theo đuổi con đường này", mình trả lời “không phải cột mốc và mà một hành trình dài thử và sai". Nhưng mà mình không cô độc, bởi xung quanh mình có rất nhiều người cũng đang “thử và sai" như vậy, như mentor Lâm Huy và Trung Hiếu.
Mình thấy rất biết ơn vì Trà Đá Mentor đã giúp mình có cơ hội gặp họ, rồi mở webinar chia sẻ, nhận những lời động viên khích lệ. Mình hi vọng Việt Nam sẽ có thêm nhiều mô hình Mentoring có thể các bạn trẻ có thể kết nối với anh chị đi trước, và tạo ra “cầu vồng" của riêng mình.
Hãy nhân bản mạnh mẽ như virus các bạn nhé!
(Mentor Ngô Phương Uyên - T2/2024)
Comments