Tran Khanh An
-
Founder tại An - Thế Giới Trong
-
Học bổng từ Hampshire College, Lewis & Clark College, Indiana University
Bloomington -
Certified Happiness Life Coach & Therapeutic Art Life Coach bởi Viện
Transformation Coach Hoa Kỳ
Thông điệp đặc biệt và lòng dũng cảm của mỗi người là điều mà thế giới này rất cần, để lan tỏa tình yêu thương thay vì nỗi sợ hãi và nhu cầu được kiểm soát.
Là một người Mentor, Khánh An muốn đồng hành cùng với Mentee trên hành trình quay về bên trong của bạn ấy. Trên hành trình của mình, An luôn có một nỗi khát khao được kết nối sâu sắc với một ai đó cũng trải qua điều mình đang trải qua để nâng đỡ nhau vượt qua khó khăn. Khi phải đối diện với góc tối một mình, có nhiều khi chị thấy vô cùng choáng ngợp mà không biết phải làm sao. Thế nên Mentor Khánh An không chỉ muốn chia sẻ những bài học bản thân chiêm nghiệm được với Mentee, mà còn tạo không gian đủ, an toàn cho cả hai cùng học cách chuyển hóa nỗi đau để khai mở sức mạnh sẵn có bên trong mỗi người.
“Ngoan”, “vâng lời” là những lời nhận xét về tính cách mà giáo viên thương tình cứu vớt cho cái bảng điểm nát bét khi Khánh An còn học ở Việt Nam. Đâu ai biết rằng dù trông rất hiền bên ngoài nhưng An lại “nổi loạn” bên trong khi “hy sinh” chính các dịp kiểm tra Văn - bộ môn duy nhất chị giỏi - để thẳng thắn nói lên suy nghĩ, quan điểm, đi sâu vào các vấn đề bị khuất trong xã hội. Sau này An nhận ra, điều mình thật sự giỏi không phải là Văn, mà là giỏi diễn giải cảm xúc suy nghĩ của chính mình, quan sát kỹ càng và đưa ra nhận xét về những sự việc diễn ra xung quanh. Nếu hỏi về những nỗi sợ ăn sâu trong tiềm thức mà đôi khi vẫn còn trỗi dậy đến tận bây giờ thì hầu như là những sự kiện đã diễn ra lúc còn là học sinh. Bình thường Khánh An khá thoải mái, nhưng hễ ai bắt chị phải như thế này thế kia để được khen thưởng hay công nhận (cụ thể hơn là lấy điểm cao) thì chị không muốn mù quáng nghe theo. Cá nhân Khánh An suốt những năm đi học không thấy bảng điểm có thể phản ánh cái gì ở con người mình và nhà trường cũng không dạy lĩnh vực mà An giỏi, vậy mà ít nhiều khi nhìn vào người ta vẫn có thành kiến dựa trên thành tích học tập. Là một người sống nội tâm từ nhỏ, những giá trị Khánh An hướng đến luôn mang ý nghĩa nhất định. An luôn làm mọi thứ với tất cả sự chân thành mà mình có, thế nên một khi không thấy được mục đích ý nghĩa thật sự đằng sau nó, hoặc bị bắt làm theo các điều kiện của xã hội để được chấp nhận, thì An sẽ chậm lại quan sát thay vì chịu cuốn theo vòng xoáy trước mặt.
Khánh An cũng từng mang rất nhiều phẫn uất và hận thù khi đối mặt với nhiều chỉ trích và dè bỉu, nhưng sau này khi làm việc sâu với bản thân, An nhận ra rằng lỗi không thuộc về cá nhân nào cả. Vấn đề ở đây là chúng ta đang nối tiếp vòng lặp “hurt people, hurt people” không chỉ ở một thế hệ mà còn được di truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Bởi vì những hành động và ý nghĩ vô thức đã được bình thường hóa trong xã hội, không dễ để một người nhận ra, mà khi nhận ra rồi cũng không có đủ can đảm để làm khác đi. Thế nên những khổ đau, niềm tin giới hạn và tình yêu có điều kiện cứ luôn tiếp diễn.
Chứng kiến chuyện thật việc thật của những người em, người bạn, thậm chí người thân trong dòng họ gia đình đi qua nhiều tổn thương tương tự với tâm trạng bế tắc và tuyệt vọng, Khánh An khao khát được giúp đỡ họ bằng tất cả khả năng của mình. Sau này An không cho rằng đó là ngẫu nhiên khi không ngừng đấu tranh để giữ vững lòng tin vào bản thân, và cũng không muốn bỏ phí câu chuyện của mình vì nỗi sợ sẽ bị tổn thương thêm lần nữa. An muốn được tiếp thêm nhiều sức mạnh và lòng can đảm đối với những người đang trải qua điều tương tự, để họ có thể bồi đắp thêm lòng tin vào chính mình. Đây cũng chính là điều làm chị thực sự hạnh phúc.